1. Khái niệm về thủ tục hành chính Thủ tục hành chính là việc tiến hành các thủ tục giấy tờ tại các cơ quan hành chính theo quy định của nhà nước. Khi bạn chuẩn bị thành lập doanh nghiệp, muốn thông quan hàng hóa, hoặc muốn hưởng một số chế độ theo quy định, bạn đều phải tiến hành làm các thủ tục hành chính. Tùy theo từng tính chất công việc các bạn muốn thực hiện, các thủ tục hành chính bạn cần làm sẽ khác nhau. Bạn sẽ phải làm việc với một số cơ quan hành chính công như: ủy ban nhân dân phường ( xã), ủy ban nhân dân huyện ( quận) , cơ quan thuế, cơ quan hải quan, các văn phòng của các sở như sở tư pháp, sở nội vụ,… Hiện nay, khi kinh tế bước vào giai đoạn giao thoa, hội nhập, để các công tác xuất, nhập khẩu, kê khai thuế,… trở nên đơn giản hơn, các thủ tục hành chính đã được giảm bớt. Thay vào đó là việc khai báo điện tử. Điều này giúp việc quản lý giấy tờ trở nên có hệ thống và hiệu quả hơn đồng thời giảm khối lượng công việc cũng như chi phí đi lại cho các công ty. 2. Một số cơ quan giải quyết các thủ tục hành chính 2.1. Thủ tục hành chính tại cơ quan thuế Đối với các doanh nghiệp, việc giải quyết thủ tục hành chính với cơ quan thuế là điều không thể thiếu. Trước đây, khi chưa có hệ thống nộp thuế trực tuyến, hàng kỳ, kế toán sẽ phải trực tiếp lên cơ quan thuế nộp tờ khai kèm theo các bảng kê mua vào, bán ra của doanh nghiệp. Thủ tục thuế khiến kế toán mất khá nhiều thời gian, công sức. Trong khi đó, cơ quan này khó có thể bao quát được tờ khai của hàng nghìn doanh nghiệp trên địa bàn. Công tác quản lý hành chính thuế trở nên rất khó khăn. Hiện nay với sự xuất hiện của thuế điện tử, thủ tục hành chính tại cơ quan thuế trở nên đơn giản hơn rất nhiều. Với sự hỗ trợ của phần mềm hỗ trợ kê khai, nộp thuế điện tử và công nghệ chữ ký số, khối lượng công việc của kế toán không còn quá nhiều như trước kia. Thông thường, kế toán chỉ cần phải tới cơ quan thuế để xử lý một số vấn đề sai sót, nộp thông báo phát hành hóa đơn hoặc giải quyết các vấn đề thanh tra, kiểm toán,… 2.2. Thủ tục hành chính tại cơ quan hải quan Để có thể nhập khẩu hàng hóa, doanh nghiệp không thể không làm việc với cơ quan hải quan. Đây là cơ quan có trách nhiệm kiểm tra chứng từ của hàng hóa nhập khẩu và xuất khẩu. Khi hồ sơ hàng hóa không có vấn đề gì, mã HS chuẩn, số thuế nhập khẩu, xuất khẩu khớp so với quy định, hàng hóa sẽ được phép thông quan. Thủ tục hành chính tại cơ quan hải quan đóng vai trò vô cùng quan trọng. Khi muốn nhập khẩu một lô hàng chính ngạch, người nhập khẩu cần phải mở tờ khai hải quan tại các cơ quan hải quan. Hiện nay, việc thông quan hàng hóa trở nên đơn giản hơn rất nhiều so với trước đây do có sự hỗ trợ của khai báo hải quan điện tử. Hệ thống khai báo này giúp cho các doanh nghiệp thường xuyên xuất nhập hàng hóa, hoặc chuyên làm về dịch vụ logistics không cần phải thường xuyên tới các cơ quan hải quan để làm việc. Các tờ khai hải quan cũng được quản lý một cách khoa học hơn trước đây rất nhiều. Trong thời kỳ hội nhập, các hoạt động xuất nhập khẩu hàng hóa phát triển rất mạnh mẽ. Khi các thủ tục hành chính tại cơ quan hải quan trở nên đơn giản, Việt Nam sẽ thu hút được sự chú ý của các doanh nghiệp liên kết nước ngoài đồng thời đẩy nhanh kim ngạch xuất khẩu. 2.3. Thủ tục hành chính tại Sở kế hoạch đầu tư Khi thành lập doanh nghiệp,các doanh nghiệp bắt buộc phải giải quyết hồ sơ pháp lý tại các cơ quan hành chính là phòng đăng ký kinh doanh trên địa bàn doanh nghiệp đóng trụ sở. Cơ quan này sẽ tiếp nhận hồ sơ đăng ký thành lập doanh nghiệp và chịu trách nhiệm cấp giấy đăng ký kinh doanh cho doanh nghiệp. Hiện nay , công tác chuẩn bị hồ sơ hành chính đã được giảm thiểu so với trước đây, khuyến khích các doanh nghiệp thành lập đồng thời thu hút đầu tư của các nhà đầu tư nước ngoài muốn xây dựng doanh nghiệp tại Việt Nam. 2.4. Thủ tục hành chính tại các cơ quan chính quyền các cấp Để có thể hưởng một số trợ cấp xã hội như: trợ cấp cho người cao tuổi, trợ cấp cho người khuyết tật,… các công dân đều phải làm thủ tục hành chính tại cơ quan chính quyền các cấp, thường là huyện, xã. Tại đây, các bạn sẽ chuẩn bị hồ sơ theo yêu cầu và gửi hồ sơ tới bộ phận tiếp nhận. Những bộ phận này sẽ phản hồi lại và giải quyết một thủ tục để người dân được hưởng các chế độ. 3. Một số thủ tục hành chính thường gặp 3.1. Thủ tục hành chính khi thành lập công ty Khi thành lập một công ty, chủ doanh nghiệp cần chuẩn bị rất nhiều bước làm thủ tục hành chính để đảm bảo hồ sơ pháp lý cho doanh nghiệp. Các bạn có thể tham khảo những bước dưới đây trước khi chuẩn bị hồ sơ và làm việc với các cơ quan hành chính công. Thứ nhất, để tiết kiệm thời gian, trước khi làm việc với sở phòng đăng ký kinh doanh của sở kế hoạch đầu tư để giải quyết các thủ tục hành chính, các chủ doanh nghiệp cần chuẩn bị một bộ hồ sơ bao gồm: · Mẫu giấy đề nghị đăng ký doanh nghiệp đã điền đầy đủ thông tin · Bản danh sách thành viên công ty (Trong trường hợp công ty trách nhiệm hữu hạn) hoặc danh sách cổ đông ( trong trường hợp công ty được thành lập là công ty cổ phần) · Bản photo công chứng giấy tờ tùy thân của những người thành lập công ty · … Thứ hai, sau khi đã hoàn thiện hồ sơ, chủ doanh nghiệp sẽ làm việc với phòng đăng ký kinh doanh trên địa bàn nơi doanh nghiệp đặt trụ sở. Thứ ba, sau khi đã hoàn tất các bước trên, doanh nghiệp tiến hành nộp hồ sơ trực tuyến bằng tài khoản đăng ký kinh doanh. Ở bước này, các bạn cần phải scan hồ sơ đã chuẩn bị, tiến hành đăng ký tài khoản và nộp hồ sơ. Tình trạng xử lý hồ sơ sẽ được cập nhật trên trang. Thời gian tối đa để có kết quả là 30 ngày. Có thể thấy rằng thủ tục hành chính để được đăng ký kinh doanh hiện nay được tối giản hơn trước rất nhiều. Điều này khuyến khích các doanh nghiệp trẻ thành lập, giúp nền kinh tế quốc dân phát triển ngày càng hưng thịnh, bền vững. 3.2. Thủ tục hành chính khi thông quan hàng hóa Để có thể nhập khẩu, xuất khẩu hàng hóa theo con đường chính ngạch, các công ty buộc phải làm việc với các cơ quan hải quan để hàng hóa được thông quan. Vậy cần phải làm những thủ tục hành chính gì khi thông quan hàng hóa? Hiện nay, các thủ tục hành chính đã được điện tử hóa, tạo điều kiện rất thuận lợi cho các doanh nghiệp nhập khẩu, xuất khẩu hàng hóa. Do đặc thù ngành nghề xuất nhập khẩu đem lại lợi nhuận khá cao, Nhà Nước đã giảm thiểu những thủ tục không cần thiết để ngành nghề này có cơ hội phát triển. Các doanh nghiệp có thể tham khảo về thủ tục hành chính khi thông quan hàng hóa ở dưới đây. Thứ nhất, người khai báo hải quan chuẩn bị đầy đủ hồ sơ bao gồm: vận đơn, invoice ( hóa đơn), quy cách đóng gói ( packing list), CO ( nếu có). Các số liệu trên các hồ sơ này phải đảm bảo chuẩn khớp nhau. Tên hàng hóa phải được ghi rõ để đảm bảo áp đúng mã HS phù hợp ( Mã HS là gì tôi sẽ giải thích ở đoạn sau). Thứ hai, doanh nghiệp tiến hành khai báo hải quan trên phần mềm khai báo. Phần mềm sẽ tự động phân luồng. Trong trường hợp luồng xanh, hàng hóa sẽ tự động thông quan. Trong trường hợp luồng vàng, công ty sẽ phải chuyển hồ sơ lên hải quan để kiểm tra, trong trường hợp luồng đỏ, hải quan sẽ vừa tiến hành kiểm tra hồ sơ vừa tiến hành kiểm hóa hàng hóa. Khi tiến hành khai báo, mã HS của hàng hóa vô cùng quan trọng. Các mã HS này sẽ quyết định số thuế phải nộp. Dựa vào chất liệu, công dụng, hình thù của hàng hóa, những người khai báo hải quan sẽ tiến hành áp mã HS theo biểu mẫu được quy định. Trước đây, doanh nghiệp sẽ phải trực tiếp đến cơ quan hải quan làm nhiệm vụ khai báo cũng như chuẩn bị sẵn một bản sao chứng từ lô hàng để nộp tại cơ quan này. Tuy nhiên, trong những năm gần đây, thủ tục thông quan đã được đơn giản hóa, các doanh nghiệp hầu như chỉ phải tới làm việc trực tiếp khi hồ sơ lô hàng chưa “sạch” và chưa có sự đồng nhất. 4. Mặt trái của thủ tục hành chính Bên cạnh một số thủ tục hành chính đã được tối giản hóa, vẫn có không ít những thủ tục nhiêu khê, phức tạp khiến người dân gặp khá nhiều khó khăn. Không hiếm những trường hợp một số cơ quan chính quyền không tạo điều kiện cũng như làm khó dễ người dân khi họ có nguyện vọng làm một số thủ tục hành chính để giải quyết vấn đề như: xin cấp lại giấy tờ tùy thân bị mất, xin chứng thực sơ yếu lý lịch, xin xác nhận vay vốn cho con em đi học. Đặc biệt tại rất nhiều khu vực có dân trí chưa cao, rất nhiều cán bộ cố tình phức tạp hóa các thủ tục hành chính để chiếm đoạt tài sản cũng như một số phúc lợi mà người dân lẽ ra được hưởng. Đâu đó vẫn có những người không thể được nhận trợ cấp xã hội vì cơ quan hành chính không tiến hành giải quyết các thủ tục hồ sơ, vẫn có những đối tượng như thương binh, mẹ liệt sĩ không được hưởng chế độ do còn nhiều nhiêu khê trong việc xử lý công tác hành chính tại địa phương. Thủ tục hành chính là một trong những thủ tục không thể thiếu để Nhà nước quản lý xã hội. Tuy nhiên, một số thủ tục phức tạp, rườm rà nên được tiết giảm, để đảm bảo cho một xã hội công bằng, văn minh, không còn chuyên quyền, quan cách. Bài viết trên đây là lời lý giải cho câu hỏi “thủ tục hành chính” là gì đồng thời là lời lý giải của riêng cá nhân tôi về việc những vấn đề xoay quanh thuật ngữ ngày . Hy vọng có thể đem lại những thông tin hữu ích cho bạn đọc đang muốn tìm hiểu sâu về thủ tục hành chính.
Tham khảo bài gốc ở: Thủ tục hành chính là gì? Những điều cần biết về thủ tục hành chính
#timviec365.vn
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét