1. Khái niệm và tầm quan trọng của kỹ năng giải quyết vấn đề Có bao giờ bạn từng nghĩ rằng mình sẽ ra sao khi ba mẹ ly hôn, khi bạn bè chọc ghẹo, khi đồng nghiệp cạnh khóe, khi bị sếp la mắng,... hay đơn giản khi bạn thất bại trong một vấn đề cụ thể nào đó. Hằng ngày và thậm chí là hàng giờ, những rắc rối và những khó khăn xung quanh vẫn “trực chờ” chúng ta lơ đãng, bất cẩn một chút để chúng “nhào tới”, “xâu xé” và biến chúng ta trở thành những “chú chuột” sợ hãi. 1.1. Hiểu về kỹ năng giải quyết vấn đề Tiến sĩ nổi tiếng - nhà “triết học” Lê Thẩm Dương đã từng nói rằng: “Miếng phô mai có sẵn chỉ có ở trên cái bẫy chuột”. Mặc dù câu nói này không hoàn toàn liên quan đến vấn đề tôi muốn chia sẻ với bạn hôm nay. Tuy nhiên, một nửa ngữ nghĩa của câu nói mà tôi muốn mượn lời tiến sĩ Lê Thẩm Dương để nhắc nhở bạn rằng, nếu bạn đang đứng trước một vấn đề hóc búa, đừng biến mình thành kẻ không sáng suốt, đừng mất bình tĩnh mà la hét lên, đừng vội buông xuôi, đừng vội từ bỏ. Hãy ngồi lại, xem xét, nhìn nhận vấn đề, lúc đấy tôi tin chắc rằng, trong đầu bạn ít nhất sẽ nảy ra một giải pháp, một ý tưởng tối thiểu là khắc phục và giải quyết được vấn đề. Đến đây, theo cách mà bạn hiểu, kỹ năng giải quyết vấn đề thực chất là gì? Hạ Linh tin chắc rằng, bạn vẫn sẽ mù mờ đoán ra khái niệm tương đối trừu tượng này, và chỉ không biết cách diễn đạt nó thành lời mà thôi. Vậy hãy hiểu theo nghĩa đơn giản nhất nhé! Khi gặp phải và đứng trước một vấn đề được phát sinh, có thể vấn đề mới hoặc đã phát sinh từ lâu, tuy nhiên nó được giải quyết kịp thời bởi việc vận dụng những kỹ năng nhìn nhận, phân tích, đánh giá và tự mình đưa ra một giải pháp. Lúc này đây, quy trình trên được tóm gọn lại và gọi tên là kỹ năng giải quyết vấn đề. 1.2. Tầm quan trọng của kỹ năng giải quyết vấn đề Đến đây Hạ Linh tin chắc rằng bạn đã hiểu kỹ năng giải quyết vấn đề là gì rồi, đúng không nào? Nghệ sĩ Trấn Thành - một người có sức ảnh hưởng về nhận thức của giới trẻ ngày nay đã từng chia sẻ với khách mời trong một chương trình truyền hình: “Trường học nó khác trường đời ở chỗ, trường học cho chúng ta bài học, sau đó bắt chúng ta làm kiểm tra. Còn ở trường đời, bắt chúng ta làm kiểm tra trước rồi sau đó mới cho chúng ta bài học”. Câu nói này làm chúng ta “thức tỉnh” kịp thời khi đang “bơi” trong một “biển hỗn độn” các vấn đề mà chúng ta đang gặp phải. Trên thực tế, trường học là nơi chỉ dạy cho chúng ta những nền tảng kiến thức về các lĩnh vực, các môn học mà không hề dạy cho chúng ta các kỹ năng mềm, điều này khiến cho phần lớn giới trẻ ngày nay có phần bị động và ỷ lại người khác giải quyết thay vấn đề của mình. Có rất nhiều kỹ năng mềm mà bạn nên học để chuẩn bị hành trang bước vào đời. Trong đó, có kỹ năng giải quyết vấn đề. Để đi được đúng lộ trình, để vượt qua những con đường quanh co và những chướng ngại vật trên con đường ấy, kỹ năng giải quyết vấn đề là yếu tố quan trọng quyết định. Chẳng hạn, khi đang đi trên một con đường, bạn gặp phải một con thú dữ, người có kỹ năng giải quyết vấn đề sẽ biết vận dụng hết mọi giải pháp tối ưu nhất để có thể thuần phục được con thú, nhưng người không có kỹ năng giải quyết vấn đề sẽ chỉ biết quay lưng bỏ chạy, con thú vẫn đuổi mãi, đuổi mãi và đến lúc bạn kiệt sức không còn chạy được nữa, nó sẽ tiến tới và nuốt chứng lấy bạn. Kiến thức nền tảng là vô cùng quan trọng để định vị bạn là ai trong cuộc sống này, tuy nhiên nếu chỉ có kiến thức mà không có những kỹ năng mềm như kỹ năng giải quyết vấn đề thì bạn chỉ là một cá nhân dậm chân tại chỗ mà thôi. Hạ Linh có thể ví von về tầm quan trọng của kỹ năng mềm nói chung và kỹ năng giải quyết vấn đề nói riêng cho các bạn dễ hiểu như sau: trước khi bước chân vào cuộc sống, hành trang của bạn là một chiếc la lô, nếu kiến thức nền tảng cứng là những thứ bên trong của chiếc ba lô đó, thì hai quai vai chính là hệ thống các kỹ năng mềm. Và chắc hẳn, một chiếc ba lô sẽ chẳng mang theo bên mình bạn mãi được nếu mất đi hai quai vai, đúng không nào? 2. Các bước giải quyết vấn đề Nếu ai đó nói với bạn rằng, kỹ năng mềm chỉ cần một vài lần trải nghiệm là có được thì quan điểm ấy hoàn toàn sai lầm. Kỹ năng mềm nói chung và kỹ năng giải quyết vấn đề nói riêng luôn đòi hỏi bạn phải thực hiện, rèn luyện đúng quy trình. Nếu bạn không tuân thủ và bỏ qua một vài bước trong quy trình đó, kết quả thu lại đôi khi sẽ không như bạn mong muốn. Để trang bị cho mình kỹ năng giải quyết vấn đề, bạn nên tuân thủ một lộ trình các bước như sau: 2.1. Nhìn nhận và phân tích Bạn nên hiểu rằng, bất cứ một vấn đề nào phát sinh đều có gốc gác và nguyên do của nó. Chằng hạn như một các cốc đang chứa nước nóng, bỗng nhiên nó bị vỡ ra thì nguồn gốc của vấn đề này chắc chắn là do nhiệt độ của nước quá nóng, và cái cốc không thể chịu được áp lực đó. Nếu bạn đã biết rõ nước nóng chính là nguyên nhân gây ra sự đổ vỡ của cái cốc, thì lần sau nữa, bạn sẽ tự ý thức rằng không dùng chiếc cốc đó để đựng nước nóng. Điều này hoàn toàn có thể đối chiếu sang cách bạn giải quyết vấn đề khi gặp phải. Tuy nhiên, về cơ bản vấn đề đáng nói hơn cái cốc bị vỡ nhiều. Cái tôi muốn nói ở đây, chính là bạn phải tiến hành tìm hiểu nguyên nhân và phân tích mức độ của vấn đề bạn đang gặp phải. Bạn có thể đặt ra một số câu hỏi để tự trả lời như: vấn đề này có quan trọng hay không? Bản chất của vấn đề là gì? Mức độ khó, dễ của vấn đề?,... 2.2. Xác định đối tượng của vấn đề Vấn đề này có liên quan đến lợi ích của mình hay không? Nếu trả lời được câu hỏi này bạn đã thực hiện thành công bước xác định đối tượng vấn đề. Nên hiểu rằng, không phải bất cứ vấn đề nào đang diễn ra trước mắt bạn cũng ảnh hưởng đến bạn. Nếu nhận ra mình không phải là người có quyền hạn để giải quyết vấn đề, hãy chuyển nó sang một ai đó khác liên quan trực tiếp hoặc bỏ qua vấn đề nhanh chóng. Xen vào những vấn đề không phải của mình sẽ biến bạn thành một kẻ chuyên đi “lo chuyện bao đồng” đấy. 2.3. Hiểu vấn đề Hiểu vấn đề là bước tiếp theo bạn nên làm sau hai bước quan trọng ở trên. Tốt nhất, hay nhìn vấn đề theo nhiều chiều hướng và khía cạnh khác nhau. Khi bạn nhìn vấn đề theo nhiều góc độ, bạn sẽ phát hiện ra nhiều điểm mấu chốt quan trọng mà đôi khi nhìn theo một hướng sẽ không thể nhìn thấy. Chẳng hạn như một bức tranh 4D sẽ chân thực hơn một bức tranh phẳng bình thường. Và khi bạn đã phát hiện ra các điểm mấu chốt, các gốc gác nhỏ có liên quan đến vấn đề, bạn sẽ thuận lợi hơn trong việc đưa ra các giải pháp để thực hiện từ từ. 2.4. Lựa chọn giải pháp Sau khi đã hiểu ra gốc rễ, nguồn cội của vấn đề, bạn hãy trực tiếp lên kế hoạch cho các giải pháp mà bạn cho là có hiệu quả và có thể vận dụng được để giải quyết. Các giải pháp nên đưa ra nhiều, phù hợp với từng khía cạnh và góc độ bạn nhìn nhận. Tuy nhiên, điều quan trọng ở đây là cuối cùng, bạn phải tự xác nhận và lựa chọn ra một giải pháp hữu hiệu nhất. Đây cũng là một bước tương đối khó khăn, vì vậy bạn nên vận dùng các câu hỏi để loại trừ dẫn những khả năng mà giải pháp có thể thực hiện, chẳng hạn như: các giải pháp sẽ diễn ra như thế nào? Các giải pháp sẽ làm hài lòng mục tiêu của bạn đến mức độ nào? Bạn sẽ tồn bao nhiêu công sức và chi phí khi thực hiện các giải pháp? Hiệu quả mà giải pháp mang lại có giải quyết triệt để được vấn đề hay không?,... Sau khi tìm ra được các câu trả lời cho các câu hỏi trên, thứ bạn nhận lại cuối cùng sẽ là một giải pháp mang tính thực thi và hiệu quả nhất rồi đấy! 2.5. Thực thi giải pháp Dĩ nhiên, sau khi đã nắm trong tay thứ vũ khí tối ưu nhất, bạn có thể sẵn sàng tham gia vào trận chiến bất cứ lúc nào. Đừng e dè, vì dám đối diện với vấn đề là bạn đã nắm được trong tay 49,99% chiến thắng rồi. Hãy nhớ là, theo dõi và giám sát thật kỹ càng sự hiệu quả và tiến độ mà giải pháp bạn đã chiến đấu mang lại như thế nào nhé. Khi bạn nắm bắt được tiến độ cũng như sự hiệu quả của giải pháp mà bạn đã dùng, thì bạn sẽ dễ dàng hơn trong việc nhìn nhận một lần nữa, kịp thời phát hiện ra các sai sót và lại bắt tay vào sửa đổi. 2.6. Đánh giá vấn đề Bước cuối cùng bạn nên làm và nó cũng quan trọng không kém những bước trên. Đó là đánh giá lại kết quả hay đánh giá lại vấn đề. Điều này sẽ giúp bạn nhìn nhận lại một lần nữa tổng thể về vấn đề. Vấn đề đã được giải quyết hay chưa? Giải pháp đã áp dụng có làm hài lòng mục tiêu của bạn hay không? Đánh giá lại vấn đề sẽ giúp bạn đúc kết được những trải nghiệm, kinh nghiệm quý báu, giúp bạn nhận thức việc chủ động rèn luyện các kỹ năng giải quyết vấn đề để lần sau nếu đứng trước một vấn đề tiếp tục phát sinh, bạn sẽ mạnh dạn và tự tin hơn. Điều này cũng giúp bạn rút kinh nghiệm để vấn đề bạn đang gặp phải sẽ không lặp lại một lần nào nữa. 3. Một số lời khuyên và tâm sự về kỹ năng giải quyết vấn đề Hy vọng rằng khi đã đọc đến những dòng chữ này, bạn đã hiểu bản chất và tầm quan trọng của kỹ năng giải quyết vấn đề là gì? Đứng trước một vấn đề, có người sẽ đổ lỗi cho người khác hoặc đổ lỗi cho hoàn cảnh, có người sẽ chỉ đứng nhìn mà chơi vơi không biết phải làm gì, có người sẽ “nhảy bổ” vào giải quyết vấn đề. Tuy nhiên, cũng có người đứng trước một vấn đề, họ khựng lại một chút, bình tĩnh một chút để “ủ mưu” cho một giải pháp tối ưu nhất. Và người ta hơn nhau ở chỗ đấy, người đổ lỗi là người không có trách nhiệm, người không làm gì là người nhút nhát, người “nhảy bổ” vào vấn đề là người vội vàng, hấp tấp. Chỉ có người bình tĩnh đối diện với vấn đề mới đáng để chúng ta học hỏi. Kỹ năng giải quyết vấn đề không phải ngày một, ngày hai mà bạn có thể sở hữu được, không phải là một bài hát nghe đi nghe lại mỗi ngày mà bạn có thể thuộc lòng, mà giải quyết một vấn đề cần phải tuân thủ theo những nguyên lý và quy trình nhất định. Bạn nên nhớ một điều rằng: thứ nhất, không có vấn đề nào mà không thể giải quyết được, bạn có thể thay đổi vấn đề, có thể chấp nhận vấn đề, có thể đập bỏ vấn đề thì đó cũng là những cách mà bạn giải quyết vấn đề đó. Thứ hai, không có vấn đề nào được giải quyết giống vấn đề nào, cho nên giải quyết vấn đề không nên dựa vào kinh nghiệm. Bạn có thể chấp nhận không có giải pháp nào là tối ưu, nhưng sẽ có cách giảm thiểu ít nhất những rủi ro mà vấn đề mang lại. Thứ ba, không nên lệ thuộc vào những giải pháp sẵn có, không phụ thuộc vào những giải pháp của những chuyên gia hay những người nổi tiếng. Bởi vì, khi bối cảnh dịch chuyển, thì giải pháp cho vấn đề có thể hoàn toàn khác. Thứ tư, nếu vấn đề có thời gian thì nên tập trung mọi sức lực và trí tuệ để giải quyết. Đừng chịu thua vấn đề, hãy cứ đưa ra giải pháp này đến giải pháp khác, cho đến khi vấn đề được giải quyết một cách tốt nhất. Đừng giải quyết vấn đề theo những phương pháp sẵn có. Trong đường đời của chúng ta, vấn đề sẽ có thể đến “làm bạn” bất cứ lúc nào trên hầu hết các khía cạnh cuộc sống, tình yêu, hôn nhân, gia đình, kinh doanh hay học tập,... Đừng đi theo đám đông, đừng chạy theo xu hướng khi đọc được những lời dạy hay ho của một chuyên gia nổi tiếng nào đó. Tất nhiên, các chuyên gia nói không sai, nhưng nó chỉ đúng trong bối cảnh đấy, trong vấn đề đấy, nó có thể hoàn toàn sai lầm với bối cảnh và vấn đề mà bạn đang gặp phải. Hiểu được kỹ năng giải quyết vấn đề là gì để trở thành một người tháo vát và nhận được sự ngưỡng mộ từ mọi người. Hơn hết, mục đích của Hạ Linh khi viết bài này đó là mong muốn bạn có thể giảm thiểu nhiều nhất các vấn đề trong cuộc sống!
Xem bài nguyên mẫu tại: Kỹ năng giải quyết vấn đề là gì và các bước giải quyết vấn đề
#timviec365vn
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét